1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Putin ủng hộ sáng kiến hòa bình của Trung Quốc về xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông "cảm kích" Bắc Kinh vì nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Putin ủng hộ sáng kiến hòa bình của Trung Quốc về xung đột Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ đón chính thức ngày 16/5 (Ảnh: AFP).

"Tôi sẽ thông báo cho Chủ tịch Trung Quốc về tình hình xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi rất cảm kích những người bạn và đồng nghiệp Trung Quốc vì những sáng kiến mà họ đưa ra để giải quyết vấn đề này", Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16/5 nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, ông Putin dường như cũng chỉ trích các liên minh an ninh do phương Tây dẫn đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là vấn đề mà cả Moscow và Bắc Kinh đều quan tâm.

Trước khi tới Bắc Kinh, trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc, Tổng thống Putin cũng nói rằng ông ủng hộ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.

"Bắc Kinh nhận thức rõ nguyên nhân gốc rễ (của cuộc khủng hoảng Ukraine) và tầm quan trọng về địa chính trị toàn cầu, điều này được thể hiện trong kế hoạch 12 điểm mang tên "Quan điểm của Trung Quốc về giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine" được công bố vào tháng 2/2023. Các ý tưởng và đề xuất trong tài liệu cho thấy mong muốn thực sự của những người bạn Trung Quốc của chúng tôi là giúp ổn định tình hình", ông Putin nói.

Đối với 4 nguyên tắc giải quyết xung đột bổ sung do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra gần đây, Tổng thống Putin khẳng định các nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với kế hoạch trên.

"Bắc Kinh đề xuất các bước đi thực tế và mang tính xây dựng nhằm đạt được hòa bình bằng cách kiềm chế theo đuổi các lợi ích và leo thang căng thẳng, giảm thiểu tác động tiêu cực của xung đột đối với nền kinh tế toàn cầu và sự ổn định của chuỗi giá trị toàn cầu. Các bước này được xây dựng dựa trên ý tưởng rằng chúng ta cần phải từ bỏ "tâm lý Chiến tranh Lạnh" và đảm bảo an ninh không thể chia cắt cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc", ông Putin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Nga, cả Ukraine và các nước bảo trợ phương Tây đều không ủng hộ những sáng kiến này. Ông Putin cho biết các nước này chưa sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối thoại bình đẳng, trung thực và cởi mở dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và quan tâm đến lợi ích của nhau. Họ cũng không sẵn sàng thảo luận về những nguyên nhân cơ bản, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Theo Xinhua, ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc đã tích cực nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề này. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra 4 nguyên tắc để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngày 24/2/2023, Trung Quốc công bố quan điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trung Quốc từ lâu khẳng định quan điểm trung lập trong vấn đề xung đột Nga - Ukraine. Bắc Kinh kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh cũng cáo buộc việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga là nguyên nhân khiến dẫn đến xung đột Moscow - Kiev.

Đầu năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một bản đề nghị gồm 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Đề nghị này bao gồm hàng loạt giải pháp từ ngừng bắn, hòa đàm đến từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, lệnh trừng phạt, đảm bảo chuỗi cung toàn cầu.

Trong khi Nga ủng hộ kế hoạch này, Ukraine và phương Tây cho rằng đề xuất của Bắc Kinh có lợi hơn cho Nga.

Ukraine tuyên bố tiếp tục coi công thức hòa bình 10 điểm do Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra là nền tảng cho mọi cuộc hòa đàm, trong đó có việc Nga phải rút quân vô điều kiện khỏi lãnh thổ Ukraine, bồi thường thiệt hại. Moscow coi những yêu cầu này là "không thực tế".

Về phần mình, giới chức Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk và bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý. 

Theo AFP, Xinhua