1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Thi tuyển Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản

(Dân trí) - Sau khi TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - nghỉ hưu, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức thi tuyển để tìm ra người xứng đáng thay thế vị trí của ông.

TS. Lê Hồng Sơn mới nghỉ hưu.
TS. Lê Hồng Sơn mới nghỉ hưu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vừa ký quyết định phê duyệt đề án tiếp tục thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ một số đơn thuộc Bộ này với với mục đích thu hút, lựa chọn được những người thực sự có phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo. Theo Bộ Tư pháp, việc thi tuyển còn nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý và đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của các đơn vị nói riêng, góp phần hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành tư pháp nói chung.

Theo đó sẽ có 4 vị trí thi tuyển lần này, trong đó có 3 vị trí cấp trưởng và 1 vị trí cấp phó, gồm: Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; Giám đốc Học viện Tư pháp; Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Việc thi tuyển vị trí Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được dư luận chú ý hơn cả, bởi đây là cơ quan giúp Bộ Tư pháp “hậu kiểm” văn bản trái luật mang tính chất nội bộ trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Trong suốt những năm qua, đơn vị này đã kịp thời vào cuộc và “tuýt còi”, yêu cầu hủy bỏ nhiều quy định trái luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp. 

Như Dân trí đã phản ánh, ngày 10/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trao quyết định nghỉ hưu theo chế độ cho TS. Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Bà Mạc Thị Hoa - Phó cục trưởng, được Bộ Tư pháp giao trách nhiệm phụ trách đơn vị này cho tới khi có cục trưởng mới.

Hơn 10 năm qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã thực hiện kiểm tra được hơn 3,6 triệu văn bản, phát hiện trên 90.000 văn bản có dấu hiệu sai phạm và đã được xử lý ở các mức độ khác nhau. Đáng chú ý, trong số hơn 90.000 văn bản này, có khoảng 10.000 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu sai phạm về nội dung cần phải xử lý đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ.

Tại hội nghị hồi đầu năm 2015, Bộ Tư pháp cho biết trong 10 tháng đầu năm 2014, các Bộ, cơ quan, địa phương đã kiểm tra và phát hiện 9.017 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản (chiếm tỷ lệ 22%). Trong số đó có hơn 1.500 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản. Năm 2014, Bộ Tư pháp cũng đã phát hiện 885 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp hiến, hợp pháp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận những gì ngành tư pháp đạt được trong năm qua chưa xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, nhiều quy định của Hiến pháp trong luật chưa được hiểu một cách thống nhất, có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài trong hệ thống pháp luật. Trong khi đó chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các thông tư và thông tư liên tịch còn bị báo chí phản ánh sai nhiều, nợ đọng văn bản vẫn còn.

Thế Kha